Chương 5: Âm Nhạc Sân Khấu Truyền Thống Việt Nam – Bài 4: Một Số Thể Loại Âm Nhạc Sân Khấu Dân Gian

1- SÂN KHẤU CA KỊCH BÀI CHÒI

1.1. Nguồn gốc và quá trình phát triển

Ca kịch Bài Chòi là nghệ thuật diễn xướng dân gian, hình thức sân khấu kịch hát được yêu thích ở các tỉnh Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng trở vào) và đã phát triển như một thể loại sân khấu kịch hát chuyên nghiệp (như Chèo, Tuồng, Cải Lương). Âm nhạc của sân khấu ca kịch Bài Chòi tiếp thu từ nguồn dân ca, Tuồng, Cải Lương… pha trộn nhiều thể loại nhưng vẫn có những nét riêng, thể hiện bản sắc và đặc trưng nghệ thuật diễn xướng dân gian khu vực Nam Trung Bộ.

Sân khấu ca kịch Bài Chòi, trước hết, xuất thân từ một trò chơi ở Bình Định, trong những hội Xuân: Hồ Bài Chòi. Trong trò chơi, để gây hấp dẫn, làm căng thẳng không khí chờ đợi của người chơi, người chủ trò (anh Hiệu) thường hát những câu thơ thai nghén hoặc chứa đựng ý nghĩa, mô tả để gọi tên những cây bài. Hộ Bài Chòi chủ yếu là lối ứng xướng, biến hóa lời dựa trên lối nói vè, hò khoan, ngâm thơ hoặc nói lối trong Hát Bộ; có trống con, phách nhỏ, đàn nhị đệm theo.

Nghệ thuật hô Bài Chòi của những anh Hiệu ngày càng chuyên nghiệp, phát triển. Ngoài mục đích thu hút, hấp dẫn người chơi, họ còn lồng vào những lối hát, nói khi hô Bài Chòi những nội dung trung, hiếu, tiết, nghĩa, giáo dục đạo đức, kể chuyện làng xóm, ca ngợi tình yêu…

Hình 5.1: biểu diễn lối chơi Bài Chòi tại Học viện Âm nhạc Huế Tháng 12/2011

Hết Hội xuân, anh Hiệu trở thành người hát lưu động, dùng cách hát để kể chuyện, mua vui… Khởi đầu, khi không hô trong trò chơi Bài Chòi, những nghệ sĩ hô Bài Chòi, anh Hiệu, thường tìm nơi đông người (chợ, hội xuân), chọn chỗ ráo, rộng rãi, trải chiếu ngồi hát, khán giả ngồi chung quanh để nghe. Đó là lối hát độc diễn, hình thức hát kể truyện bằng thơ, nội dung là những chuyện ngụ ngôn, chuyện thời sự, những trích lớp truyện, còn gọi là lối hô “Bài Chòi lớp”.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, lối hồ Bài Chòi (truyện) không còn phụ thuộc vào thời vụ hay dịp lễ, Tết như trước nữa, nhiều nhóm chừng 3 người (hai diễn viên, một nhạc công) hoặc nhiều hơn (tùy vở diễn hoặc điều kiện của nhóm) tổ chức hát khắp nơi phố, chợ… Hình thành những gánh hát Bài Chòi hộ – diễn đạo, có phân vai, vừa hát vừa đệm nhạc (đàn cò lòn hoặc cò líu đỡ giọng nữ, đàn hồ để giọng nam và nhân vật già, vài cặp sênh, trống con..).

Những Bài Chòi truyện rất xưa cổ được phổ biến ở đất Bình Định như Vợ lớn vợ nhỏ, Ông Xã bà Đội; Lâm Sanh – Xuân Nương; Triệu Tử Long đoạt ấu chúa v.v… rất phổ biến do câu chuyện có tình tiết, có vui giận, buồn thương như một lớp kịch ngắn. Bài Chòi Truyện còn đem đến cho người nghe những bài học nhân nghĩa, đạo lý nên có sức hấp dẫn mạnh mẽ so với Bài Chòi Lớp.

Về mặt âm nhạc, để phục vụ nhu cầu thưởng thức, nội dung cốt truyện với nhiều vai diễn khác nhau, Bài Chòi Truyện sử dụng nhiều giọng điệu – có đoạn là Nói lối của hát Bài Chòi, đoạn lại như nói thơ, có hát, đối đáp và người ta tiếp thu, sáng tạo thêm nhiều điệu khác như: điệu Xuân Nữ, điệu Xàng xê,… hoặc một số làn điệu trong Tuồng, làn điệu dân ca (như hát sắc bùa, Hò giựt chì, các điệu lý…) nhưng theo hơi hướng Bài Chòi.

Khoảng những năm 30 thế kỷ XX, có nhiều gánh hát Bài Chòi ra đời với qui mô khá lớn, hình thức sân khấu còn giản dị: một tấm phông, không cánh gà, màn che, phục trang đơn giản (áo bà ba đen viền trắng, áo trắng viền xanh… hoặc trang phục hát Bội – đối với một số nội dung tích truyện liên quan).

Vở Thoại Khanh – Châu Tuấn được xem là vở kịch hát Bài Chòi đầu tiên được hát diễn trên sân khấu, đánh dấu việc trở thành một loại hình sân khấu ca kịch của Bài Chòi. Tiếp nối sau vở Thoại Khanh Châu Tuấn là hàng loạt vở kịch lịch sử, dân gian, xã hội… được ra đời. Nhưng nội dung tích truyện vẫn là những truyện thơ Nôm, chuyện thời sự trong làng xóm (ông xã trưởng, Lý trưởng bỏ vợ, một chồng hai vợ… ), truyện cổ tích (Phạm công – Cúc Hoa); chuyện Tàu (Chinh đông, chinh Tây; Thuyết Đường)…

Ban đầu, người soạn dựa vào các vở tuồng hát Bội quen thuộc, theo hồi, lớp, nhưng còn diễn lối nói “xăm” (vừa ca diễn vừa nghĩ cách nói, bẻ làn, nắn điệu, pha trộn, nối tiếp các điệu…). Về âm nhạc, học tập cách nói (ngữ khí, ngữ điệu..) của hát Bội; sáng tạo các lối nói lối vào hò, vào điệu; sáng tạo một số điệu hát dựa trên các làn – điệu trong hát Bội (Xàng Xê lụy – Xàng xê Dựng, Nam Xuân…)

Giai đoạn từ 1954 về sau: tiếp thu nghệ thuật sân khấu Hát Bội và Cải Lương, đôi khi sử dụng nguyên lớp Hát Bội, hoặc diễn các tuồng võ hiệp, tuồng xã hội; các làn điệu như Tây Thi, Kim Tiền, Bình Bán… (Cải Lương). Về âm nhạc, mở rộng hơn: điệu Xuân Nữ phát triển theo kiểu Vọng Cổ, ngoài các điệu cũ còn đưa vào nhiều điệu mới.

Sau khi hòa bình lặp lại (năm 1954), nhiều nghệ sĩ tập kết ra Bắc đã thành lập Đoàn Dân ca Liên Khu 5. Từ đây, sân khấu Ca kịch Bài Chòi được tổ chức, sáng tác kịch bản, viết phần âm nhạc cho các vở, dàn dựng với cảnh trí, phông, màn; các vở diễn được dàn dựng, đạo diễn với mô hình của sân khấu kịch phương Tây… Vở Thoại Khanh – Châu Tuấn được xem là vở kịch hát đầu tiên, mở đầu một cách ấn tượng ; về việc tạo dựng nên phong cách mới cho thể loại sân khấu kịch hát Bài Chòi.

Để hoàn thiện vở diễn, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, người soạn vở… đã soạn nhạc hoặc sáng tác bài bản, nhạc nền cho các vở diễn. Do vậy, các sáng tác mới, nhạc nền đều gắn liền với nội dung của vở diễn và đều mang âm điệu dân ca hoặc hơi hướng của Bài Chòi.

Sau khi đất nước thống nhất, kế thừa đoàn Dân ca Liên khu 5, đoàn Ca Kịch Bài Chòi được thành lập, một số nhạc sĩ miền Bắc vào, vở diễn được xây dựng chính quy và có phần âm nhạc riêng. Cho đến nay, tuy số lượng đoàn ca kịch không nhiều, nhưng loại hình sân khấu ca kịch này vẫn được nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ yêu mến và là thể loại thể hiện những đặc trưng về âm nhạc, sân khấu, văn hóa…

1.2. Âm nhạc

Bài bản của sân khấu Ca kịch Bài Chòi:

– Những bài bản – làn điệu chính: Nói lối, Xuân Nữ cổ, Xuân nữ mới, Cổ Bản Dựng, Xàng Xê Lụy, Xàng Xê Dựng, Hồ Quảng…

– Những làn điệu dân ca mang âm điệu Bài Chòi: nhóm Lý (Lý Thượng du, Lý Thiên thai, Lý Đồng Nai, Lý Thương nhau, Lý Tang tít, Lý Năm canh, Lý Vọng phu…), nhóm Hò (Hò khoan, Hò giã vôi, Hà Mài dừa, Hò Ba lý, Hò Bả trạo…), nhóm bài Lía (làn điệu được sáng tạo dựa trên nói vè Quảng Hát, ban đầu cho nhân vật Lía trong vở Chàng Lía), Sắc bùa…

– Một số sáng tác dựa trên chất liệu dân ca như: Cung Oán ngâm khúc, (nhạc và lời của Võ Bài trong vở Thoại Khanh – Châu Tuấn – tác giả Nguyễn Tường Nhẫn); Đất Hồ lòng Hán, Vọng Kim Lang (sáng tác nhạc của cố NSƯT Hoàng Lê – lời thơ Lưu Trọng Lư trong vở Nghìn thu vọng mãi); bài Dâng tướng quân (nhạc và lời của NSND Lệ Thi trong vở Kiều), Chiêu Quân . Dàn nhạc đơn giản gồm: kèn (sona), đàn nhị, hồ, trống, thanh la, mõ….

Hiện nay, những điệu hát chủ yếu trong Ca kịch Bài Chòi đã tương đối đầy đủ với các hơi – điệu: Nói Lối, các điệu hơi Bắc (Cổ Bản, Phú Lục…), Hơi Nam (Xuân Nữ, Xàng Xê lụy…). Không chỉ chủ yếu sử dụng thơ lục bát như trước mà còn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau (song thất lục bát, bảy chữ, năm chữ…).

Từ lối hát – diễn tự phát, những người hô Bài Chòi dần trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong diễn trình hình thành, phát triển, Ca kịch Bài Chòi đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thể loại sân khấu khác như Tuồng Hát Bội, Cải Lương v.v…

Hiện thể loại sân khấu dân gian này vẫn được lưu tồn, hoạt động chủ yếu nay, là khu vực tỉnh Bình Định, với những gánh hát nhỏ trong làng xã và đội kịch hát của tỉnh. Ngoài ra, thể loại sân khấu này thường xuyên có những chương trình biểu diễn hoặc phát hình trên truyền hình, một số làn điệu được đưa vào giảng dạy trong các trường Văn hóa Nghệ thuật…

Nói Lối vào Xuân Nữ (trích “Lịch sử ca kịch và âm nhạc Bài Chòi, Hoàng Lê, trang 80)

2- SÂN KHẤU CA KỊCH HUẾ

2.1. Nguồn gốc và quá trình phát triển

Không xuất thân từ một loại hình, trò chơi dân gian như Ca kịch Bài Chòi, không phát sinh từ một thể loại sân khấu, mà do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật kịch hát trong dân gian mà Ca Kịch Huế được hình thành. Sân khấu ca kịch Huế kế thừa từ âm nhạc, bài bản, phong cách dựng vở của Tuồng Cung đình Huế nhưng quy mô, hình thức đơn giản, dân dã và chủ yếu hoạt động trong dân gian. Mặt khác, về bài bản, sân khấu ca kịch Huế kế thừa những làn điệu trong nghệ thuật thính phòng Ca Huế…

Vào những năm 20, 30 của thế kỷ XX, ở Huế và các vùng lân cận xuất hiện các đoàn ca kịch Kim Thịnh, Hồng Thu v.v… với các nghệ sĩ tài danh như Châu Thành, Văn Lang, Ngọc Yến, Kim Oanh, Mộng Điệp, Văn Giáo, Mạnh Cẩm v.v..

Trong khoảng thời gian chiến tranh, Ca kịch Huế hầu như vắng bóng. Năm 1957, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Yến vận động các nghệ sĩ Nguyễn Lương Nam Túy, Nguyễn Văn Giáo… đang sinh sống ở Nghệ An tập hợp, thành lập Đoàn Dân Ca Trị Thiên. Những vở diễn đầu tiên của đoàn như: “Phụng Nghi Đình”, “Bóng nhạn chiều đông”, “Thoại Khanh Châu Tuấn” và “Men rượu hương tình” đã mở đầu cho hàng loạt những buổi diễn vùng chiến sự Vĩnh Linh, Quảng Bình…

Sau những đợt diễn thành công, đoàn được sự đầu tư của nhà nước và phát triển mạnh. Cùng với những đoàn dân ca – kịch hát khác ở miền Bắc, đoàn được xây dựng và phát triển với định hướng kế thừa – phát huy bản sắc của thể loại trên nền tảng của hình thức sân khấu kịch hát mới, góp phần phục vụ chiến trường. Sau ngày đất nước thống nhất, sân khấu kịch hát Huế trở về với vùng đất quê hương, với sự đóng góp của các nhà hoạt động sân khấu như Nguyễn Đức Thuyết, Nguyễn Đức Lộc, Hoàng Châu Ký, Lưu Trọng Lư; các đạo diễn Xuân Đàm, Trần Hoạt, Đình Quang; nhạc sĩ Vân Thư, nghệ sĩ Châu Thành, Mạnh Cẩm, Nguyễn Tiếu, Lê Văn Cần… và các nghệ sĩ trẻ được đào triển sân khấu ca kịch Huế cho ngày nay. tạo chính quy, , đã xây dựng phát

2.2. Đề tài – kịch bản

Về đề tài, Sân khấu Ca kịch Huế chủ yếu chọn những thể tài liên quan đến cuộc sống thường ngày của người dân, những nội dung trung, hiếu, tiết, nghĩa, giáo dục đạo đức, kể chuyện làng xóm, ca ngợi tình yêu… Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Ca kịch Huế là một trong những loại hình nghệ thuật góp phần rất lớn tuyên truyền, cổ vũ cho cách mạng. Ngày nay, nội dung, đề tài chủ yếu là những chuyện lịch sử, xã hội.

2.3. Sân khấu – phục trang – hóa trang và trình diễn

Về bày trí, phục trang, hóa trang: Ca kịch Huế có tổ chức sân khấu đơn giản, do nội dung kịch và cũng do tính chất dân dã của thể loại sân khấu. Trang phục, hóa trang theo nội dung kịch bản nhưng đơn giản.

Về trình diễn: kế thừa rất nhiều ở tuồng, nhưng không có yếu tố biểu trưng trong tuồng mà theo lối tả thực, chủ yếu diễn tả những tâm lý, trạng huống kịch một cách đơn giản, sát với thực tế nhất. Không có vũ đạo (do nội dung kịch bản).

2.4. Âm nhạc

Về âm nhạc: có sử dụng một số bài bản ngắn trong tuồng, âm nhạc Ca Huế, một số làn điệu dân ca Bình – Trị – Thiên… tùy theo nội dung vở kịch, vai diễn, tình huống kịch, tùy theo soạn giả… Âm nhạc của Ca kịch Huế không phân chia hệ thống làn – điệu, không nói Lối mà nói thường (theo âm điệu tiếng nói địa phương), không xướng, ngâm như Tuồng. Tính chất âm nhạc gần với Cải Lương

Về dàn nhạc, do phục vụ các nội dung kịch và tình huống sân khấu khác nhau nên ngoài việc kế thừa dàn nhạc của nghệ thuật ca nhạc thính phòng Huế (Ca Huế), Ca kịch Huế còn mở rộng biên chế dàn nhạc bằng việc tăng cường các nhạc khí (kể cả nhạc khí điện tử).

Hình 5.2: Ca kịch Huế, trích vở ca kịch Hàn Mặc Tử, Đoàn Ca kịch Bình Trị Thiên

3- KỊCH HÁT DÂN CA NGHỆ AN – HÀ TĨNH

Ở các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh có hình thức kịch hát dân ca có quy mô về tổ chức sân khấu gần giống như ca kịch Bài Chòi hay Ca kịch Huế. Thể loại này không phát sinh từ một nghệ thuật âm nhạc mà do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật kịch hát trong dân gian mà được hình thành. Kịch Hát dân ca Nghệ An – Hà Tĩnh được hình thành trên nền tảng của những câu chuyện dân gian, từ các điệu hò. lý, hát ru… dân ca, phong cách dựng vở nửa theo lối tự sự dân gian (kể chuyện) nửa theo lối sân khấu kịch nói hiện đại (có tuyến nhân vật, có màn, cảnh…) nhưng quy mô, hình thức đơn giản, dân dã và chủ yếu hoạt động trong dân gian.

Âm nhạc trong thể loại kịch hát dân ca Nghệ An – Hà Tĩnh có thể chia ra hai nhóm:

Những làn điệu dân ca của vùng Nghệ An – Hà Tĩnh: âm nhạc cho nhân vật, diễn tả tâm lý, đối đáp…bối

Những ca khúc mới, những sáng tác mới (có hoặc không có lời): âm nhạc cho cảnh, cho diễn và đôi khi cũng dành cho nhân vật…

Ngày nay, trong xu hướng phát huy tính sáng tạo, tạo sân chơi cũng như thể hiện được tiếng nói của người dân, tại Nghệ An – Hà Tĩnh có nhiều đoàn kịch hát dân ca được thành lập, nhiều vở tuồng được dàn dựng và giới thiệu trên hệ thống truyền thanh, truyền hình… Sân khấu kịch hát dân ca đã đóng góp một phần rất lớn cho những sinh hoạt trong đời sống tinh thần người dân, kịp thời thể hiện những nội dung phong phú của đời sống và giáo dục công chúng.

CÂU HỎI HƯỚNG DẪN THẢO LUẬN VÀ ÔN BÀI:

1.Nguồn gốc của Ca Kịch Bài Chòi?

2. Tiến trình hình thành và phát triển của Ca Kịch Bài Chòi? 3. Nội dung kịch bản của Ca Kịch Bài Chòi?

4. Bài bản và dàn nhạc của Ca Kịch Bài Chòi?

5. Nội dung kịch bản của Ca Kịch Huế?

6. Bài bản và dàn nhạc của Ca Kịch Huế?

7. Những đặc trưng và khác biệt của Ca Huế và Ca kịch Huế?

8. Những tương đồng và dị biệt giữa 3 thể loại sân khấu dân gian Ca kịch Bài Chòi, Ca Kịch Huế và Kịch hát dân ca Nghệ An – Hà Tĩnh?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0974836029
chat-active-icon